Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Tâm Bất Động

là trạng thái chung của những người chứng đạo khi thân và ý thức không xúc chạm nhau. Tâm Bất Động chính là tâm vô ngã; tâm vô ngã chính là tâm ly dục ly ác pháp; tâm ly dục ly ác pháp chính là tâm không phóng dật; tâm không phóng dật chính là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Tâm bất động thì các thọ khổ không tác động vào tinh thần sắt đá, nhất là trước các loại cảm thọ của thân mà tâm bất động, đó là một loại thiền định xả cảm thọ thì tâm mới bất động. Tu hành muốn đạt được chỗ tâm bất động không phải dễ.

Tâm bất động có hai phần:

1- Tâm bất động thuộc về tâm do tri kiến giới luật đức hạnh.

2- Tâm bất động thuộc về thân do tri kiến tỉnh thức định Tứ Thiền. Nhờ nhập vào Tứ Thiền, sức định lực của Tứ Thiền quét sạch các cảm thọ nên tâm không còn cảm nhận thọ khổ vì thế tâm mới bất động dễ dàng. Còn có một tâm bất động, đó là ý chí ngút ngàn xem thường các cảm thọ, mặc dù tâm chưa có thiền định nhưng nhờ tín lực “chết bỏ” không sợ các cảm thọ nên thản nhiên trước sự đau đớn tận cùng sức chịu đựng của bãn thân. Nếu Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự kéo dài thời gian sáu giờ cho đến một ngày đêm, và từ một ngày đêm cho đến 7 ngày đêm là đã chứng đạo quả A La Hán hoàn toàn. Trong khi tâm bất động đó phải không có một niệm nào khởi lên, nếu còn có bất cứ một niệm nào khác khởi lên là không phải tâm bất động.

Có bất cứ một niệm nào khác khởi lên, phải tác ý đuổi ngay liền. Phải giữ gìn và bảo vệ tâm bất động vô lậu, đó là niệm duy nhất, là chân lí của đạo Phật. Đạo Phật chỉ có tu tập giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, nhờ đó tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa.

Tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo. Tâm Bất Động là pháp giải thoát thực tế và cụ thể của Phật giáo. Người giữ gìn được tâm Bất Động thì khổ đau biến mất, chỉ còn lại sự thanh thản, an lạc và vô sự trong tâm.

Ngược lại người nào lìa Tâm Bất Động thì ngay đó tâm tham lam, sân, si, giận hận, phiền não nổi lên ngút ngàn, v.v… Tâm Bất Động không phải là khó tu tập, chỉ cần chúng ta phá hết hôn trầm thùy miên và loạn tưởng thì tâm Bất Động ngay tại đó.

Muốn phá hôn trầm thùy miên và loạn tưởng thì chỉ có tu tập pháp Thân Hành Niệm.

Gợi ý